Trong những năm gần đây, Phần Lan luôn được bình chọn là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới. Vậy thì lý do vì sao quốc gia này lại luôn giữ vị trí cao trong bảng xếp hạng?
Người Phần Lan tin rằng hệ thống giáo dục của họ ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả này bởi giáo dục thể hiện các giá trị gắn liền với con người cũng như đất nước họ là lòng trung thực, sự công bằng, tính thực tiễn và tin tưởng người khác.
Trên thực tế, Phần Lan không phải là quốc gia luôn đứng #1 trên bảng xếp hạng PISA (chương trình đánh giá học sinh quốc tế của OECD – Organization for Economic Co-operation and Development) nhưng Phần Lan là quốc gia duy nhất học sinh có điểm kỹ năng đọc và mức độ hài lòng về cuộc sống cao nhất. Sở dĩ học sinh Phần Lan đạt được kết quả này bởi các em có sự cân bằng giữa cuộc sống ở trường và các thời ranh rỗi, điều này cho phép học sinh tham gia được nhiều hoạt động ngoại khóa hơn. Sự cân bằng sẽ được tiếp tục sau khi các em học xong, đó là sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống thường ngày.
Pasi Sahlberg, Giáo sư về chính sách giáo dục nhấn mạnh rằng sự thành công của của hệ thống giáo dục Phần Lan đến từ nhiều yếu tố nó bắt nguồn từ sự nghiên cứu và truyền cảm hứng từ nhiều hệ thống giáo dục khác nhau, các chính sách giáo dục đã được xây dựng cùng các cơ quan quản lý giáo dục, giáo viên, các thành phố cùng với tiếng nói của phụ huynh, các nhà nghiên cứu, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và cuối cùng chính là sự bình đẳng, các em học sinh phải được trao các cơ hội học tập ngang nhau.
Không có một câu trả lời ngắn gọn cho câu hỏi vì sao hệ thống giáo dục của Phần Lan lại thành công, dưới đây chính là 9 yếu góp phần tạo nên sự thành công đó:
Cơ hội học tập bình đẳng:
Hệ thống giáo dục Phần Lan cung cấp chất lượng giảng dạy đồng đều tại tất cả các trường của quốc gia.
Phương pháp học tập thông qua vui chơi:
Tại Phần Lan, trong giai đoạn đầu, việc học thông qua vui chơi được chú trọng nhiều khi các em bước vào tuổi đi học. Các nhà trẻ và trường mầm non của Phần Lan tuân theo chương trình giáo dục và chăm sóc sức khỏe mầm non bao gồm vui chơi, sức khỏe và hạnh phúc của trẻ.
Cá nhân hóa việc học tập:
Việc học tập tại Phần Lan được cá nhân hóa cho mỗi học sinh bằng cách nâng cao những thế mạnh cho các em, hỗ trợ các em vượt qua được mọi sự thách thức. Lộ trình học tập của các em cũng được linh hoạt.
Không có các bài kiểm tra tiêu chuẩn:
Việc học tập của học sinh được đánh giá thông qua các phương pháp định tính khác nhau, tập trung vào sự phát triển toàn diện của học sinh và học các kỹ năng mềm thay vì kỹ năng ghi nhớ và điểm số định lượng.
Tối thiểu hóa bài tập về nhà:
Trong những năm đầu đời, bài tập về nhà và thời gian họ của học sinh được tối thiếu hóa, thời gian này chủ yếu dành cho trẻ vui chơi và khám phá.
Công nghệ hỗ trợ:
Một phần quan trọng trong chương trình giảng dạy quốc gia của Phần Lan là trải nghiệm học tập độc đáo thông qua công nghệ và đổi mới giảng dạy. Tuy nhiên, công nghệ được sử dụng một cách hợp lý thay vì lấn át cuộc sống hàng ngày của học sinh.
Tinh thần học tập suốt đời:
Hệ thống giáo dục của Phần Lan thúc đẩy học tập suốt đời, dù ở độ tuổi hay giai đoạn nào của cuộc đời vẫn có thể tiếp tục theo con đường học vấn.
Giáo dục tích hợp:
Giáo dục theo nhu cầu đặc biệt được tích hợp vào hệ thống giáo dục của Phần Lan. Điều này có nghĩa tất cả các sinh viên đều được hỗ trợ.
Giáo viên chủ động:
Các giáo viên của Phần Lan bắt buộc phải có bằng Thạc sĩ, họ có thể chủ động trong việc lập kế hoạch giảng dạy cho mình để phù hợp với học sinh.